___CAN TƯƠNG MẠC TÀ___
Sinh mệnh một phân thành hai, linh hồn có một không hai.
Bên bờ sông nọ có một đôi vợ chồng bần hàn cùng nhau chung sống, hai người là thanh mai trúc mã, nương tựa vào nhau mà sống. Người chồng Can Tương, chẳng có tài năng gì nổi bật, suốt ngày mê đắm trong việc rèn kiếm. Những thanh kiếm phế phẩm bị bỏ lại, chất thành đống bên ngoài cửa nhà, dân làng đều cười chê anh chàng không hiểu sự đời này, chỉ có vợ là người duy nhất luôn luôn ủng hộ anh ta mà không một lời than vãn.
Tận sâu trong thâm tâm Can Tương vẫn luôn cảm thấy có lỗi vì không thể đem đến cho vợ một cuộc sống tốt hơn. Anh ta chỉ biết việc rèn kiếm, những mong có thể từ đó mà tìm được công danh, để cho vợ mình có ngày được vinh quang cùng hãnh diện. Thế là anh ta đem tác phẩm của mình đi khắp nơi, bái phỏng những chú kiếm sư nổi tiếng, khiêu chiến họ, anh ta chém gãy vô số tác phẩm của những nghệ nhân nổi tiếng, từ đó danh tiếng ngày càng lan xa khắp Vân Mộng Trạch. Những thợ rèn bị anh ta đập gãy chiêu bài hận anh ta đến tận xương tủy.
Thế gian công nhận có một vị tuyệt đại đại sư. Nhân gian đồn rằng thanh kiếm của ông ta không chỉ chém sắt như chém bùn mà còn là nơi trú ngụ của những linh hồn. Các đệ tử của vị đại sư nọ đều bại dưới tay Can Tương, họ liên kết với nhau để tố cáo lên sư phụ, thế là vị đại sư liền gửi thiếp mời gặp mặt tới Can Tương.
Chiến thắng được vị đại sư nọ thì bản thân sẽ xứng danh là chú kiếm sư giỏi nhất đương thời. Nhưng khi Can Tương đến như đã hứa, vị đại sư kia thậm chí còn chẳng thèm lộ diện, ông ta chỉ sai đệ tử cầm kiếm đứng ở cửa nghênh tiếp. Chỉ với một đường vung kiếm nhẹ nhàng, thanh kiếm của Can Tương đã bị cắt làm nhiều mảnh, các thợ rèn thở ra một hơi hả dạ, và họ cười nhạo Can Tương, trả lại cho anh ta nỗi nhục nhã gấp mười lần trước kia.
Can Tương bỏ chạy trong nhục nhã, và nỗi thất vọng khủng kiếp bắt đầu nhen lửa trong tim. Anh ta trở về nhà, bắt đầu lại những chuỗi ngày tẻ nhạt của mình. Lò rèn luôn đỏ lửa, những thanh kiếm sau lại càng sắc bén hơn thanh trước, nhưng chung quy lại chúng vẫn chỉ là một miếng sắt vô hồn. Một thanh kiếm có sinh mệnh và một thanh kiếm không có sinh mệnh như khác nhau giữa trời và đất. Anh ta chìm đắm trong việc rèn kiếm, quên đi ý định ban đầu của mình rằng rèn kiếm để làm gì. Đến việc sức khỏe của người vợ ngày một yếu đi anh ta cũng chẳng chú ý đến.
Câu chuyện về một kẻ điên cuồng rèn kiếm đã đến tai những người của Âm Dương gia, người đàn ông tự xưng là Đông Hoàng Thái Nhất triệu kiến vị chú kiếm sư nọ, dẫn anh ta tới nơi tế tự, ở đó đứng sừng sững một thanh kiếm. Can Tương lập tức nhận ra đây là tác phẩm của đại sư.
“Thanh kiếm này bảo vệ lấy một phép mầu thượng cổ, tên nó là Cự Khuyết, bên trong có một linh hồn đang cư ngụ. Nó là một thanh kiếm, cũng là một tấm khiên. Những kẻ dám lại gần nó đều bị kiếm phong chém đứt.” Kế hoạch của Đông Hoàng Thái Nhất tuy khó khăn mà hiệu quả: rèn một thanh kiếm càng sắc bén hơn, chém gẫy thanh kiếm nọ.
“Giúp ta lấy được phép mầu, cũng chính là giúp ngươi hoàn thành tâm nguyện. Trở thành thế gian vô thượng chú kiếm sư. Trước đó, hãy để ta nói cho ngươi bí mật về cách làm cho kiếm có sinh mệnh.”
Can Tương toàn thân run rẩy, không thể tin những gì mình nghe được.
Đông Hoàng Thái Nhất trao cho anh ta một thanh tinh thiết được bảo tồn từ thời thượng cổ. Lò nung nổi lửa ba ngày ba đêm, bất luận thế nào cũng chẳng thể nung chảy thanh tinh thiết. Can Tương hai mắt đỏ ngầu tơ máu, nội tâm giằng xé, cần một sinh mệnh mới có thể làm cho kiếm có sinh mệnh.
Anh ta quá chăm chú, chẳng hề nhận ra vợ mình đang lặng lẽ tiến lại gần với ánh mắt dịu dàng trìu mến mà buồn bã. Cô nhận được một lá thư nặc danh, trên đó viết cách làm sao để hoàn thành tâm nguyện của chồng mình. Bản thân sớm đã mắc bệnh vô phương cứu chữa, số mệnh đã định phải đem đi thành toàn cho người mình yêu. Can Tương ngẩng đầu nhìn lên, đúng lúc nhìn thấy nụ cười cuối cùng của vợ mình, ngay lúc đó cô lập tức nhảy vào lò lửa.
Tiếng kêu tê tâm liệt phế và một tia sáng chói của sắt nóng chảy xẹt qua trái tim, cánh tay vô thức xiết chặt lưỡi búa. Nỗi đau thoáng qua, sự cuồng nhiệt trái lại làm nung chảy thanh tinh thiết thượng cổ. Vào lúc bình minh, tác phẩm rực rỡ nhất thừ trước tới nay được sinh ra, bên trong có một linh hồn đang cư ngụ. Người đàn ông nâng lấy thanh bảo kiếm, thì thầm tên người vợ: Mạc Tà. Khóe miệng hơi nhếch lên, vợ yêu và kiếm giờ đây đã hòa làm một.
Đúng như Đông Hoàng Thái Nhất đã dự liệu, Mạc Tà đã chém gẫy được Cự Khuyết. Phép mầu “Chuyển sinh chi thuật” được giải phóng. Đây là kỳ quan cuối cùng được sáng tạo bởi người xưa.
Sau khi trả một cái giá rất đắt, cuối cùng Can Tương cũng đã vượt qua được tất cả các chú kiếm sư trên thế gian. Anh ta chẳng hề do dự tiến về phía ánh sáng, sức mạnh nóng bỏng như lò lửa bao vây lấy anh ta, ma thuật tôi luyện máu thịt, khiến cho nó trở nên cứng rắn và sắc bén.
Anh ta đã thực hiện được nguyện vọng tối cao của mình, và cũng tự luyện mình thành một thanh kiếm.
Câu chuyện không kết thúc ở đây. Can Tương đã cống hiến tất cả, giờ đây anh ta cần chứng minh bản thân. Anh ta đi đến nơi ở của vị đại sư nọ để trả lại nỗi nhục trong quá khứ. Nhưng mọi chấp niệm đều vụt tắt trước tấm bia mộ lạnh lẽo, đại sư đã qua đời từ lâu. Chấp niệm sụp đổ, Can Tương trở nên điên loạn, thanh kiếm Mạc Tà trong tay biến thành hình bóng vợ anh, nhẹ nhàng an ủi. Chỉ có vợ anh là mãi mãi ở bên cạnh anh, dù chết cũng không chia lìa.
Hồ sơ anh hùng:
Khu vực: Lưu vực sông lớn
Chiều cao: 237Cm
Danh tính: Thợ rèn kiếm